
Gầy như khô cá đét Sông Cầu
Bằng chứng là đem cái tên cá đét hỏi hơn chục người từng đi nát dải đất miền Nam Trung bộ thì chỉ nhận được cái lắc đầu. May mà gặp ông Đặng – một cựu ngư dân từng sinh sống ở huyện Sông Cầu cam đoan rằng khô cá đét chắc được chế biến từ con cá lạc đét (từ cá lạc viết theo đại từ điển tiếng Việt của bộ Giáo dục và đào tạo, nhiều chỗ ghi là cá lạt), một loài cá có nhiều ở vùng biển ven bờ từ Nam Trung bộ xuống tới Cà Mau. Ông này cho biết cá lạc đét, có thể dân Nam bộ rút ngắn thành cá lạc, thường được đánh bắt bằng giã cào hoặc câu dây từ khoảng tháng 5 – 7 hàng năm.
Câu loại cá này cũng khá đơn giản, đường câu có một sợi dây dường bằng nhựa nilông, cách khoảng 2m có nhánh tẽ bằng dây cước tóm sẵn lưỡi câu. Mỗi gắp câu khoảng 200 lưỡi câu, mỗi xuồng đi thường sử dụng từ 6 – 12 gắp. Xuồng ra đến vị trí biển đã xác định thì bắt đầu vừa mắc mồi vừa thả câu xuống biển, khi thả hết số câu trên xuồng thì cho xuồng quay lại điểm đầu tiên được đánh dấu bằng cây phao và kéo câu lên xuồng.
Cá có thân dài, gần giống cá chình nhưng nhỏ và dẹt hơn. Người ta cũng bắt gặp trong vốn ngôn ngữ tiếng Việt từ đét như là trạng từ đi với danh từ gầy đét, khô đét. Phải chăng do con cá dài và gầy này nên nó bị đặt tên là cá đét?
Cá lạc đét đánh bắt lên, xẻ đôi rồi tẩm muối ớt phơi đến khô vừa, cắt khúc với chiều dài từ 10 – 12cm bỏ vô bao gác bếp nữa là có món để dành qua mùa biển động. Khô cá lạc đét nướng (hoặc chiên) lên mềm, ít xương – khác với cá lạc vốn nhiều xương ngang – lại không mặn như khô từ một số loài cá biển khác. Có thể phối với dưa leo chế biến làm món nhậu hay ăn cơm đều rất thú vị nhờ hương vị riêng biệt.
Các tin khác
- » Bánh tráng Thịt heo (2012-06-21)
- » Cửa Hàng (2012-06-21)
- » Bò 1 nắng Củng Sơn (2012-06-21)
- » Cafe Tuy Hòa (2012-06-21)
- » Tháp Nhạn (2012-06-18)
- » Thắng cảnh Phú Yên - níu chân khách tham quan (2012-06-06)
- » Khu du lịch sinh thái Núi Thơm (2012-05-23)